Thanh long một loài cây được trồng chủ yếu để lấy quả và cũng là tên của một vài chi của họ xương rồng. Thanh Long là loài thực vật bản địa tại Mexico, các nước Trung Mỹ và Nam Mỹ. Hiện nay, loài cây này cũng được trồng ở các nước trong khu vực Đông Nam Á như Việt Nam, Malaysia, Thái Lan, Philippines, Indonesia (đặc biệt là ở miền tây đảo Java); miền nam Trung Quốc,Đài Loan và một số khu vực khác.
Mục lục
[ẩn]- 1 Tên khoa học
- 2 Thông tin dinh dưỡng
- 3 Trồng tại Việt Nam
- 4 Kỹ thuật trồng
- 4.1 Loại ruột đỏ
- 4.1.1 Làm đất và bón phân
- 4.1.2 Cách trồng và chăm sóc
- 4.2 Loại ruột trắng
- 4.2.1 Chuẩn bị đất
- 4.2.2 Chuẩn bị trụ
- 4.2.3 Chuẩn bị hom giống
- 4.2.4 Trồng và chăm sóc
- 4.1 Loại ruột đỏ
- 5 Xử lý ra hoa trái vụ
- 6 Phòng trừ sâu bệnh
- 7 Công nghệ bảo quản quả thanh long
- 8 Chú thích
- 9 Tham khảo
Tên khoa học
Quả của thanh long có ba loại, tất cả đều có vỏ giống như da và có một chút lá. Chúng có tên gọi khoa học như sau:
- Hylocereus undatus thuộc chi Hylocereus, ruột trắng với vỏ hồng hay đỏ.
- Hylocereus polyrhizus thuộc chi Hylocereus, ruột đỏ với vỏ hồng hay đỏ.
- Hylocereus megalanthus, trước đây được coi là thuộc chi Selenicereus, ruột trắng với vỏ vàng.
Các hạt giống như hạt vừng đen nằm lẫn lộn trong ruột. Lớp cùi thịt trong ruột thường được ăn ở dạng quả tươi, có mùi vị thơm dịu, ngọt vừa phải và ít cung cấp calo. Hương vị của nó đôi khi giống như hương vị của quả kiwi (Actinidia deliciosa). Quả có thể chế biến thành nước quả hay rượu vang; hoa có thể ăn được hay ngâm vào nước giống như chè. Mặc dù các hạt bé tí xíu của chúng được ăn cùng với thịt của ruột quả nhưng chúng không bị tiêu hóa.
Thông tin dinh dưỡng
Giá trị dinh dưỡng trong 100 g quả thanh long (trong đó có 55 g ăn được) như sau:
- Nước 80-90 g
- Cacbohydrats 9-14 g
- Protein 0,15-0,5 g
- Chất béo 0,1-0,6 g
- Chất xơ 0,3-0,9 g
- Tro 0,4-0,7 g
- Năng lượng: 35-50 Cal
- Canxi 6–10 mg
- Sắt 0.3-0.7 mg
- Phospho 16 – 36 mg
- Caroten (Vitamin A): dạng vết
- Thiamin (Vitamin B1): dạng vết
- Riboflavin (Vitamin B2): dạng vết
- Niacin (Vitamin B3) 0.2-0.45 mg
- Axit ascorbic (Vitamin C) 4–25 mg
Các giá trị nêu trên có thể thay đổi theo giống và điều kiện trồng trọt.
Thành phần axit béo của hai giống thanh long [1]
Hylocereus polyrhizus (thanh long ruột đỏ) |
Hylocereus undatus (thanh long ruột trắng, vỏ đỏ) |
|
---|---|---|
Axit myristic | 0,2% | 0,3% |
Axit palmitic | 17,9% | 17,1% |
Axit stearic | 5,49% | 4,37% |
Axit palmitoleic | 0,91% | 0,61% |
Axit oleic | 21,6% | 23,8% |
Cis-Axit vaccenic | 3,14% | 2,81% |
Axit linoleic | 49,6% | 50,1% |
Axit linolenic | 1,21% | 0,98% |
Độ Brix 16 - 17%
Trồng tại Việt Nam
Loại ruột đỏ, vỏ hồng lấy giống từ Đài Loan năm 1988, hiện nay mới trồng thử nghiệm tại Lạng Sơn và Phủ Quỳ (tỉnh Nghệ An). Loại ruột trắng vỏ hồng hay đỏ được trồng rộng rãi ở các tỉnh như Bình Thuận, Long An, Tiền Giang v.v.
Kỹ thuật trồng
Loại ruột đỏ
Thanh long ruột đỏ thích nghi với nơi có nhiều ánh sáng, dưới ánh sáng cao, độ đường tăng, nhiệt độ thích hợp từ 15 – 35°C, nếu dưới nhiệt độ đó cây sẽ phát triển chậm hoặc không sinh trưởng được. Do đó khi trồng cần tận dụng hướng nam và đông nam, nơi có đất đai bằng phẳng và ánh sáng nhiều. Là cây có tính chống hạn thích hợp với các loại đất ở trên núi đá hay bờ rào ở nông thôn và vùng ven biển, đất có tỷ lệ hạt dính 20%, hạt cát 40%, hạt đất 40% sẽ giúp cho cây hấp thụ dinh dưỡng, hàng tháng lượng mưa từ 50 – 100 mm cây sẽ sinh trưởng phát triển tốt.
Làm đất và bón phân
- Với đất bằng: Dùng 600 – 1.000 kg phân chuồng/mẫu và vôi bột thích ứng, cũng như các chất hữu cơ khác để cải tạo đất.
- Đối với đất dốc: Độ dốc dưới 15° phải cuốc rộng, phía trong thấp hơn phía ngoài 10 – 15 cm để giữ nước chống xói mòn.
- Đối với đất đồi: Trên 15° trồng từng khóm khoảng cách giữa các khóm 2 x 2 m.
- Đối với đất núi đá sỏi: Mỗi hố trồng phải có đường kính 1 m trở lên, độ sâu 30 cm, đá xung quanh phải đập vụn, bổ sung thêm 50% đất, 30% cát mịn, 20% phân hữu cơ và một ít vôi bột cho xuống hố.
Cần chú ý trừ cỏ bằng thuốc diệt cỏ, không phun vào cây và xung quanh bộ rễ. Khi cây được nửa năm thì rễ đã phủ toàn bộ mặt đất không sử dụng được thuốc diệt cỏ, nên cần che đậy để giảm cỏ mọc.
Cách trồng và chăm sóc
Trồng cây khoảng cách: 2,5 x 2,5 m, trồng sâu 5 – 10 cm, khi trồng đào hố dựng cột (cột có thể bằng xi măng hoặc gỗ, tuy nhiên trụ được làm từ xi măng bền và lâu hơn trụ được làm từ gỗ), mỗi hố trồng từ 4 – 8 cây con xung quanh cột. Để cây thanh long mau lớn và đạt sản lượng cao phải che đậy cẩn thận để giữ gìn bộ rễ, không để tổn thương do ánh nắng mặt trời, úng nước, gió bão... Đồng thời cắt xén những cành cây không thể mọc mầm và ra quả, ngắt bớt hoa và theo dõi tình hình hoa nở và kết quả, mỗi cành nên để 3 – 4 quả. Cần chống nóng với những cây con mới trồng. Hàng năm trước khi vào mùa đông, khi bón phân phải thêm phân kali chống rét cho cây, đồng thời che đậy để giữ độ ẩm v.v...
Loại ruột trắng
Loại này được trồng phổ biến ở các tỉnh nam Trung Bộ và Nam Bộ nhưng thương hiệu nổi tiếng nhất là ở Bình Thuận (năm 2003 tỉnh này có 5.000 ha trồng thanh long và sản lượng 90.000 tấn quả, trị giá xuất khẩu 6 triệu USD). Loại thanh long này sinh trưởng và phát triển tốt ở những nơi có cường độ ánh sáng cao và toàn phần. Được trồng trên nhiều loại đất khác nhau như: đất xám bạc màu, đất phèn… nhưng muốn có năng suất cao, đất phải có tầng canh tác tối thiểu từ 30–50 cm.
Chuẩn bị đất
- Vùng đất cao: Đào hố kích thước 50 x 50 x 50 cm, trồng trụ lấp đất còn khoảng 20–30 cm rồi bón lót phân chuồng 15–20 kg/trụ rồi phủ lớp đất mặt lên.
- Vùng đất thấp: Phải luống, độ cao phải cao hơn mực nước cao nhất trong năm từ 20–30 cm. Sau đó đào hố trồng trụ và bón lót.
Chuẩn bị trụ
Thanh long cần bám vào cây trụ, do đó phải chuẩn bị trụ trước khi đặt hom giống. Có thể dùng trụ bằng gỗ hay xi măng cốt thép. Tuy nhiên nếu dùng trụ xi măng cần chú ý vào mùa nắng trụ hấp thụ nhiệt rất mạnh, dễ làm đứt các rễ khí sinh của thanh long, nên dùng rơm rạ, lá chuối hoặc bao tải bao một lớp mỏng xung quanh trụ để giảm bớt hấp thụ nhiệt và tưới lên trụ vào sáng sớm hay chiều tối. Trồng trụ trước khi đặt hom 1 tháng, chiều cao trụ khoảng từ 1,7-2,O m, phần chôn sâu từ 0,5-0,7 m, đường kính trụ 14–18 cm (trụ xi măng mỗi cạnh khoảng 12–15 cm). Trồng trụ thẳng, trên đầu trụ đóng thêm giá đỡ hình chữ thập (+) hoặc đóng nẹp 2 bên mép trụ giúp thanh long có chỗ bám trên đầu trụ, cành thanh long sẽ rũ xuống.
Chuẩn bị hom giống
Nên chọn hom giống có tiêu chuẩn như sau:
- Tuổi hom từ 6-28 tháng, chọn các cành có gốc cành bắt đầu hóa gỗ nhằm hạn chế bệnh thối cành khi đặt hom xuống đất.
- Chiều dài hom từ 50–70 cm
- Hom khỏe, màu xanh đậm, không có vết sâu bệnh.
- Các mắt mang chum gai phải tốt, mẩy, khả năng nảy chồi tốt.
Sau khi chọn hom xong, hom được giâm nơi thoáng mát trên nền đất khoảng 10-15 ngày sẽ ra rễ để đem trồng. Cũng có thể đem hom trồng thẳng không qua giai đoạn giâm. Đặt hom cạn khoảng 3–5 cm, nên đặt phần đã hóa gỗ xuống đất để tránh thối gốc. Mỗi trụ đặt 3-4 hom. Đặt áp phần thẳng của hom vào trụ. Cột hom vào trụ để tránh gió làm lung lay hom khi rễ chưa bám vào đất. Vào mùa nắng nên ủ gốc bằng rơm rạ hoặc cỏ khô để giữ độ ẩm.
Trồng và chăm sóc
- Mật độ trồng:
Mật độ trồng khoảng 700-1.000 trụ/ha, khoảng cách trồng 3 x 3 m hoặc 3 x 3,5 m. Có thể bố trí trồng xen các loại cây ngắn ngày khác nhưng phải đảm bảo cho thanh long nhận đầy đủ ánh sáng.
- Thời vụ trồng:
Thường trồng vào tháng 10-11 dương lịch vì lúc này nguồn hom giống dồi dào do trùng với thời gian tỉa cành, lợi dụng ẩm độ cuối mùa mưa, tránh được ngập úng, tuy nhiên đến mùa khô cây chưa đủ sức chống chịu với nắng hạn cần phải tưới nước và giữ ẩm cho cây.
- Tỉa cành:
- Sau khi trồng 7-10 ngày: chọn 1 chồi phát triển tốt nhất, bám chặt vào trụ để lại sao cho cành từ mặt đất đi thẳng tới đỉnh trụ.
- Khi cành dài 30–40 cm: Tiến hành uốn cành nằm xuống đỉnh trụ. Nên uống vào lúc trưa nắng, lúc này cành mếm dễ uốn, mỗi ngày một ít cho đến khi cành nằm được trên đỉnh trụ, dùng dây nilon buộc lại. Biện pháp này giúp cành mau ra chồi mới.
- Khi cành đâm chồi: Chọn 1-2 chồi phát triển tốt để lại.
- Sau khi cây cho trái: Hết mùa thu hoạch trái, tỉa bỏ cành cũ bên trong tán, cắt ngang cành và cách gốc 30–40 cm nhằm làm giá đỡ cho cây. Cành vừa cho trái vụ trước nên để lại nuôi chồi mới (chỉ để lại 1 chồi trên cành mẹ) khi cành dài 1,2-1,5 m thì cắt đọt cành con tạo điều kiện cho cành mập và nhanh cho trái.
- Bón phân (cho 1 trụ):
- Thời kỳ 1-2 năm đầu: Bón lót: 15–20 kg phân chuồng hoai, 100 gam super lân cho một trụ. Bón thúc: 100 g urê + 100 g NPK 16-16-8 vào các giai đoạn 20-30 ngày sau khi trồng, sau đó 3 tháng bón 1 lần. Khi cây ra hoa có thể cấp thêm 50 g phân kali (KCl).
- Thời kỳ từ năm thứ 3 trở đi: Chia làm 8 lần trong năm. Rải phân đều trên bề mặt đất xung quanh trụ, xới nhẹ cho phân lọt xuống đất hoặc phủ lên bằng một lớp đất mỏng sau đó ủ rơm hay cỏ khô, sau khi rải phân cần tưới nước. Liều lượng bón: 1,08 kg urê + 3,2 kg lân + 0,8 kg KCl.
- Lần 1-Sau khi thu hoạch. 100% phân lân + phân chuồng hoai + 200 g urê
- Lần 2-Cuối tháng 12: 5oog urê + 150 g KCl
- Lần 3-Cuối tháng 2: 180 g urê + 150 g KCl
- Lần 4-Cuối tháng 4: 100 g urê + 100 g KCl
- Từ lần 5 đến lần 8: cứ mỗi tháng bón 1 lần, liều lượng như lần 4.
Để tăng năng suất và chất lượng trái thanh long, ta có thể dùng phân bón NPK phức hợp hiệu Con Cọp Hà Lan với liều lượng và các thời kỳ bón như sau: 1. Bón sau khi thu hoặch: NPK Con Cọp Hà Lan 20-10-10+T.E: 0,8-1,0 kg/trụ, kết hợp bón phân hữu cơ Melfert 5-3-2 HàLan: 0,8-1,5 kg/trụ 2. Bón trước khi ra hoa: NPK Con Cọp Hà lan 20-10-10+T.E: 0,8-1,0 kg/trụ 3. Bón khi khi thụ phân: NPK Con Cọp Hà lan 12-12-17(S)+2MgO+T.E: 0,4-0,5 kg/trụ 4. Bón lần 4, lần năm: NPK Con Cọp Hà lan 15-5-20(S+2MgO+T.E: 0,4-0,5 kg/trụ: Bón các nhau 1 tháng.
Ngoài ra có thể phun bổ sung thêm các loại phân vi lượng bằng cách phun thêm phân bón lá vào 10 ngày sau khi đậu trái và lúc phát triển nhanh.
- Tưới nước, ủ gốc, làm cỏ:
Thanh long là cây chịu hạn nhưng nếu thiếu nước cây sẽ tăng trưởng chậm, khả năng ra hoa, đậu quả kém, năng suất thấp. Do đó phải đảm bảo tưới nước đầy đủ và ủ gốc vào mùa nắng.
Cỏ dại cạnh tranh dinh dưỡng và là nơi trú ẩn của sâu bệnh, vì vậy phải làm cỏ thường xuyên bằng tay hoặc sử dụng thuốc diệt cỏ.
Xử lý ra hoa trái vụ
Thời điểm xử lý từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 2 dương lịch, với tuổi cây từ 4-5 tuổi trở lên. Sử dụng điện lưới hoặc máy nổ, công suất điện cần phải ổn định và bóng đèn tròn 75 W hoặc 100 W. Khoảng cách từ bóng đèn đến tán cây từ 0,5–1 m. Thời gian chiếu sáng ban đêm: từ 4-8 giờ. Thời gian chiếu sáng theo đợt: đầu vụ và cuối vụ khoảng 10 - 12 đêm. Giữa vụ (tết) khoảng 15 đêm. Có thể bón thêm phân NPK cho cây.
- Bón phân cho thanh long trái vụ:
- Trước thắp đèn 20-30 ngày xịt phân bón lá có tỷ lệ NPK là 33:11:11 (Tức là có tỷ lệ N = 33%; P2O5 = 11% và K2O = 11%).
- Trước thắp đèn 10 ngày xịt phân bón lá NPK = 10:60:10 (1 lần). Sau 5 ngày thì xịt loại 6:30:30 (2 lần).
- Ngay sau khi lặt bỏ hoa, xịt ngay SIÊU CANXI, giúp mau lành vết thương, lỗ trái nhỏ và bảo vệ 3 tai dầu trái.
- 10 ngày dầu sau khi trái hình thành phun COMBI.GA3, phun 2 lần, cách nhau 5 ngày.
- Giai doạn sau 10 ngày, trái lớn rất nhanh cả về kích thước lẫn chất lượng, phun liên tục 2-3 lần KPT "Siêu To Trái THANH LONG", 5-7ngày phun 1 lần.
- Chú ý: nếu bị lem trái, phun ngay 7-5-44+TE
- Sử dụng phân bón lá Humamix trên thanh long trái vụ:
Trước khi thắp đèn 1 ngày, xịt Humamix (6:30:30) (30 ml/bình loại 8 lít và xịt 2 lần, lần sau cách lần đầu 7 ngày). Sau thụ phấn 3 ngày, xịt Humamix (30:10:10) (30 ml/bình loại 8 lít và xịt 2 lần, lần sau cách lần đầu 5 ngày). Trước khi thu hoạch 3 tuần, xịt Humamix (12:0:30:4 Ca) (30 ml/bình loại 8 lít và xịt 2 lần, mỗi lần cách nhau 5 ngày. Chú ý xịt ướt đều trên tán cây vào lúc 9-10 giờ sáng.
Ngoài ra còn có một biện pháp khác dành cho những hộ gia đình không có vốn đầu tư nhưng Thanh long làm ra không có giá bằng Thanh long chông đèn đó là sử dung hỗn hợp dinh dưỡng VSL-1 chấm vào mắt trên cây thanh long để kích thích ra hoa vào thời điểm mà mong muốn.Do Công ty giống cây ăn quả Đồng Nai (VACDONA)nghiên cứu.Phương pháp này rất đơn giản, áp dụng quy trình chăm sóc, bón phân và phun dung dịch VSL-2 kết hợp ni-tơ rát ka-li để kích thích mắt thanh long nở to đồng đều, sau đó bóc mắt và lựa chọn mắt có khả năng nở hoa để chấm hỗn hợp dinh dưỡng VSL-1 vào. Nếu điều kiện thời tiết thuận lợi, chỉ ba ngày sau cây đã nhú nụ và nở hoa sau khoảng 22 ngày. Tuy nhiên, để thanh long ra hoa, đậu quả và có hình dáng quả đẹp cần phải biết kỹ thuật bóc mắt và chấm hỗn hợp dinh dưỡng đúng thời kỳ cây có khả năng tập trung dinh dưỡng ra hoa, kết quả. Hỗn hợp dinh dưỡng VSL-1 đã được Hội đồng khoa học (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) công nhận là loại phân bón có chất kích thích sinh trưởng cây trồng ra hoa năm 2002, nhưng đến nay mới triển khai được trên một số hộ nông dân các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Đồng Nai và Long An...
Hiện nay Công ty VACDONA đang cùng một số hộ trồng thanh long nghiên cứu để pha chế hỗn hợp cho phù hợp mỗi mùa vụ và điều kiện khí hậu ở mỗi vùng để đạt năng suất, sản lượng cao nhất. Đây thật sự là một giải pháp giúp bà con nông dân muốn có sản phẩm thanh long thu hoạch trái vụ theo ý muốn để tiêu thụ dịp lễ tết hay thu hoạch theo ý muốn phục vụ xuất khẩu. Chất lượng quả xử lý theo phương pháp này có màu sắc đẹp, độ ngọt cao hơn, cây thanh long khỏe vì được bổ sung thêm dinh dưỡng sau mỗi lần xử lý.
Phòng trừ sâu bệnh
Một số côn trùng và bệnh hại phổ biến trên thanh long như sau:
- Kiến: cắn, đục khoét hom, cành non, tai lá, gây tổn thương vỏ trái làm mất giá trị thương phẩm. Dùng Basudin 10H rải quanh gốc cây, dùng Basudin 50ND Supracide phun xịt trên cành tại các vùng bị gây hại.
- Rầy mềm: Có nhiều loại gây hại trên hoa và trái thanh long, chúng chích hút nhựa để lại vết chích nhỏ trên trái làm trái khi chin bị mất màu đỏ tự nhiên, mất giá trị xuất khẩu. Phun Lannate, Cyrux… nồng độ theo khuyến cáo trên nhãn thuốc.
- Ruồi đục trái: Gồm nhiều loài nhưng phổ biến gây hại trên hoa và trái. Dùng thuốc bẫy ruồi như Vizubon, đặt 3-5 bẫy/1.000 trụ, đặt rải rác trong vườn thanh long.
- Bệnh thối đầu cành: Do các loài nấm thuộc chi Alternaria làm ngọn chuyển màu vàng sau đó bị thối. Dùng Rovral 2 lần liên tiếp cách nhau 1 tuần.
- Bệnh đốm nâu thân cành: Do nấm Gloeosporium agaves đốm tròn như mắt cua, nếu tập trung kéo dài thành vệt trên cành.
- Bệnh nám cánh: Do nấm Macssonina agaves. Trên thân cành có một lớp màng mỏng màu xám tro, nhám.
- Phòng trừ:
Vệ sinh đồng ruộng. Chống úng, chống hạn cho cây. Phun Rovral hoặc Anvil 5SC phối hợp với chất dính.
Ngoài ra còn một số bệnh sinh lý như rụng nụ do quá nhiều hoặc phân bón không đầy đủ, mất cân đối, hiên tượng nứt vỏ do thời tiết khô hạn sau đó mưa nhiều làm ruột quả phát triển mạnh hoặc teo trái lâu ngày. Phải kiểm soát không để bị khô hạn.
Công nghệ bảo quản quả thanh long
Trước đây, trái thanh long khó xuất đi xa do nhanh bị thối, hỏng. Để có thể xuất khẩu sang các nước châu Âu hay Bắc Mỹ bằng côngtenơ cấp đông theo đường biển nhằm giảm giá thành thì trái thanh long phải được xử lý để chống lại các hiện tượng nói trên. Công nghệ xử lý tiên tiến nhất hiện nay là bằng nước ôzôn.